Thương lái gạ mua cả những vườn huỳnh đàn non với giá không tưởng.
Sau hơn hai năm tạm lắng, cơn “sốt” săn tìm gỗ huỳnh đàn đang trở lại tại các tỉnh miền Trung. Các thương lái ồ ạt tung quân lùng sục trong dân, gạ mua huỳnh đàn.
Từ săn vật dụng bằng gỗ huỳnh đàn
Giữa tháng 5-2010, ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hoà) rộ lên chuyện các nhóm thương lái đi tìm mua gỗ huỳnh đàn với giá cao ngất. Thông tin này nhanh chóng lan ra các tỉnh Bình Định, Phú Yên và đến đâu cũng nghe người dân nói về trắc thối (tên gọi khác của huỳnh đàn) cùng những chuyện mua bán, giá cả, những câu chuyện dở khóc dở cười xung quanh loại gỗ quý này.
Đặng Hữu T., một “cò” huỳnh đàn ở phường 5, TP Tuy Hoà (Phú Yên), tiết lộ: “Huỳnh đàn đang “ăn” dữ lắm! Giá bao nhiêu cũng có người mua”.
Một số “cò” săn huỳnh đàn tiết lộ cơn “sốt” bắt đầu khi có một Việt kiều gốc Hà Nội nhờ người đến xã Vạn Lương thương thảo năm, bảy lần với người dân mới mua được một bộ salon bằng gỗ huỳnh đàn với giá hơn 3 tỉ đồng. Khi đó, nhà ông Năm Điểm ở xã Hoà Vinh, huyện Đông Hoà (Phú Yên) bỗng nhiên liên tục có khách đến hỏi mua bộ ghế. 10 năm trước ông đặt một thợ mộc đóng bộ ghế trên bằng gỗ hương. Khi thợ giao hàng, ông phát hiện bộ ghế làm bằng trắc thối nên không nhận. Thợ mộc phải năn nỉ, bớt giá gần một nửa và ông Điểm không ngờ sau 10 năm sử dụng lại có nhiều người đến trả giá mấy trăm triệu đồng!
Cụ Lê Thanh Cảng (ở thôn 2, xã Hoà Vinh, huyện Đông Hoà, Phú Yên) bên hàng cây huỳnh đàn đang được các thương lái săn tìm, hỏi mua. (Ảnh:TL)
Bà Lê Thị H., ở xã Hoà Xuân, huyện Đông Hoà có một chiếc giường vứt lăn lóc ngoài góc vườn từ nhiều năm. Chồng bà mang cà, cạo phát hiện một số thanh giường làm bằng loại gỗ quý này và bán được hơn 30 triệu đồng.
Một “chuyên gia” về loại gỗ này nói: “Bên Trung Quốc đang rất cần loại gỗ này nên nhiều thương lái, đại gia từ miền Bắc vào tìm mua huỳnh đàn để đưa sang, giá cả cũng đã đẩy lên ngất ngưởng”.
Thương lái Trần Mạnh H., người Thanh Hoá, cho biết hiện mạng lưới “cò” chuyên săn tìm thông tin về gỗ huỳnh đàn khá hùng hậu nhưng loại gỗ này ngày càng khó tìm. Các thương lái chuyển hướng lùng mua từng miếng dăm, rẻo rễ của loại gỗ này. Một thương lái ở Bình Định cho biết: “Giá huỳnh đàn thấp nhất cũng trên 2 triệu đồng/kg; với những khối gỗ lớn thương lái sẵn sàng mua với giá 6-8 triệu đồng/kg”.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông H., các nhóm thương lái có thể thoả thuận với nhau để “làm giá” cho một bộ gỗ huỳnh đàn của một gia đình nào đó khiến nhiều khi giá chênh lệch “trên trời dưới đất” mà người bán thì “mù mờ” không biết chắc có phải là gỗ huỳnh đàn hay không…
Đến gạ mua huỳnh đàn non
Dù vậy, nguồn huỳnh đàn trong các vật dụng gia đình ngày càng ít nên giới mua bán huỳnh đàn lại quay sang săn lùng các nhà vườn có trồng loại cây này.
Ông Nguyễn Như Ý ở xã Hoà Hiệp Trung, huyện Đông Hoà cho biết hằng ngày có không biết bao nhiêu thương lái, “cò” đến gạ mua vườn cây huỳnh đàn của ông. Cách đây ba năm, ông Ý mua 1.500 cây giống để trồng. Các thương lái gạ mua với giá hơn 2 tỉ đồng. Có thương lái ra giá 4 tỉ đồng nếu ông cho mượn đất để họ thuê người tiếp tục chăm sóc nhưng ông không bán. Tương tự, nhiều thương lái thuyết phục ông Phạm Như Bân ở xã Hoà Định Tây, huyện Phú Hoà (Phú Yên) bán vườn huỳnh đàn 700 cây của ông với giá gần 1 tỉ đồng ông cũng chưa ưng vì họ thuê luôn phần đất trên trong 10 năm để… chờ huỳnh đàn lớn. Cụ Lê Thanh Cảng (xã Hoà Vinh) có 18 cây huỳnh đàn trồng trong vườn nhà cũng đang bị quấy rầy thường xuyên.
“Thực tế, rất khó kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển những vật dụng gia đình bằng gỗ đã qua sử dụng như huỳnh đàn bởi pháp luật không cấm. Lại nữa, các bên mua bán nhưng lại viết giấy tặng cho những thứ đồ gỗ cũ. Trước tình trạng trên, chúng tôi đã yêu cầu lực lượng kiểm lâm các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, ngăn chặn tình trạng lâm sản bị chảy đi nơi khác…” - ông Lê Văn Bé, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, cho biết.
Huỳnh đàn có tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu, thuộc họ đậu, rễ có nốt sần như cây họ đậu, thân nhẹ nhưng chắc, chứa nguồn tinh dầu thơm, không có loài mối, mọt nào đục khoét được. Huỳnh đàn còn có các tên gọi khác như trắc thối, sưa, huê xà, hoàng hoa lý… Huỳnh đàn thuộc nhóm IA cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Huỳnh đàn tập trung chủ yếu ở Trung Bộ, Tây Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét